Tính duy nhất, bảo mật và cho phép giám sát trong công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch trong công tác từ thiện.
Tháng 1/2017, chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc (WFP) bắt đầu thí điểm việc dùng blockchain để xác thực và đăng ký các giao dịch của người cần hỗ trợ tại tỉnh Sindh, Pakistan. Công nghệ blockchain cho phép các giao dịch trực tiếp, an toàn và nhanh chóng giữa người dân và WFP mà không yêu cầu trung gian tài chính như ngân hàng để kết nối hai bên.
Sau khi thí điểm thành công, WFP tiếp tục xây dựng công nghệ blockchain và ứng dụng tại hai trại tị nạn ở Jordan. Giờ đây, hơn 100.000 người sống trong các trại có thể mua hàng tạp hóa bằng cách quét mống mắt khi thanh toán.
Bernhard Kowatsch, người đứng đầu Cơ quan tăng tốc đổi mới của WFP cho biết, ví ảo này là một tài khoản ngân hàng, khiến mọi giao dịch trở nên an toàn và minh bạch. Điều này giúp các tổ chức nhân đạo và tổ chức từ thiện hợp tác chặt chẽ hơn. "Chúng tôi sử dụng blockchain vì chúng tôi muốn hỗ trợ nhân đạo hiệu quả hơn. Công nghệ này cho phép các cơ quan như Liên Hợp Quốc hợp tác với các nhóm nhân đạo khác, bởi vì đó là một hệ thống sở hữu phân tán", Kowatsch nói với Forbes.
Người dân ở Jordan quét mống mắt để mua sắm trong một cửa hàng được xây dựng trên nền tảng blockchain. Ảnh: WFP
Theo WFP, việc chuyển tiền mặt trực tiếp cho những người cần được hỗ trợ là một trong những cách hiệu quả nhất trong công tác thiện nguyện, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên việc phân phối tiền mặt bị giới hạn bởi các yếu tố địa lý, bất ổn chính trị, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính không đủ hoặc không đáng tin cậy. Chưa kể nhiều người dân còn gặp khó trong việc mở tài khoản ngân hàng, do đó blockchain được xem là lời giải trong vấn đề minh bạch, phân phối hiệu quả nguồn tiền hỗ trợ.
Nhìn từ góc độ công nghệ, ông Huy Nguyễn - đồng sáng lập kiêm CTO KardiaChain cho rằng: "Minh bạch và tự động là hai tính chất tự nhiên của công nghệ blockchain. Vì vậy bất cứ hoạt động nào cần sự minh bạch như từ thiện, blockchain sẽ đóng góp được nhiều". Theo ông Huy, nếu các quỹ từ thiện tích hợp vào blockchain, mỗi giao dịch gửi đến sẽ được tự động ghi lại. Mọi người đều có thể kiểm chứng và so sánh với số tiền thật sự nhận được. "Khi đó sẽ không còn việc phải sao kê hoặc xin phép giấy tờ từ một tổ chức bất kỳ", ông Huy Nguyễn nói.
Giải thích rõ hơn về cách ứng dụng blockchain trong lĩnh vực từ thiện, ông Đỗ Hoàng Long - CEO của quỹ đầu tư AZdag, đồng sáng lập của sàn giao dịch tiền mã hóa Bingbon - cho rằng với cấu trúc bất biến của blockchain, các khoản đóng góp không thể bị làm giả và được ghi lại vĩnh viễn để các nhà tài trợ có thể nhìn thấy. Ngoài ra, họ có thể theo dõi số tiền trong mỗi khoản quyên góp đã đi đâu và khi nào chúng được đưa vào sử dụng, từ đó, giúp hạn chế việc thất thoát trong quá trình quản lý quỹ. "Tất cả giao dịch trên blockchain đều được phát sóng trên toàn mạng và mỗi nút sẽ nhận và ghi lại nó trên sổ cái, điều này làm cho blockchain có thêm chức năng truy xuất nguồn gốc. Các bên liên quan có thể hỏi và theo dõi từng giao dịch. Cuối cùng, truy vấn điểm đến điểm có thể được thực hiện và những người có trách nhiệm liên quan có thể được truy tìm lại", ông Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh.
Theo bà Bà Lynn Hoàng - Giám đốc Binance Việt Nam, trong bối cảnh hoạt động từ thiện đang vướng phải nhiều vấn đề liên quan đến minh bạch, công nghệ blockchain có thể giúp người kêu gọi từ thiện xây dựng lòng tin với các nhà tài trợ, người nhận và các bên liên quan. "Khi ứng dụng blockchain, các nhà tài trợ hoàn toàn có thể thấy được đường đi của khoản tiền họ đóng góp. Công nghệ này bảo đảm rằng quy trình sử dụng tiền từ thiện có thể theo dõi, bất biến và đáng tin cậy", bà Lynn Hoàng nói.
Ngoài ra blockchain còn giúp xây dựng mối quan hệ minh bạch giữa các nhà tài trợ và người nhận; giảm chi phí hành chính thông qua tự động hóa; nâng cao hiệu quả tiếp cận đúng đối tượng; huy động được lượng tiền lớn thông qua nguồn vốn cộng đồng. "Quan trọng nhất là việc minh bạch bằng công nghệ có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp và hoàn chỉnh trong hệ thống từ thiện", đại diện Binance Việt Nam nhận định.
Theo các chuyên gia, blockchain là công nghệ lõi, không phải sản phẩm. Để áp dụng vào việc từ thiện, các nhà phát triển phải tạo ra sản phẩm trực quan cho người dùng. Các tổ chức có thể bắt đầu từ việc viết hợp đồng thông minh (smart contract) và có giao thức (protocol) phù hợp với mục đích thiện nguyện. Những tổ chức nhỏ, cá nhân có thể sử dụng một số nền tảng blockchain được xây dựng sẵn cho mục đích thiện nguyện như Openledger để có thể minh bạch dòng tiền.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động thiện nguyện đòi hỏi đầu tư ban đầu về nhân lực, cơ sở hạ tầng lớn, những tài nguyên này ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Lựa chọn phù hợp nhất lúc này để các tổ chức, cá nhân thiện nguyện có thể hợp tác với các công ty chuyên về blockchain. "Ngoài ra, thách thức về kiến thức liên quan đến công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh có thể làm nản lòng các nhà tài trợ tiềm năng. Một số tổ chức từ thiện có thể do dự áp dụng một công nghệ mới mà họ không hoàn toàn tin tưởng và hiểu đầy đủ", ông Long nói.
Theo bà Lynn Hoàng, trong vài năm tới hoặc chậm nhất là 2030, mọi người sẽ thấy những ứng dụng trong blockchain trở nên phổ biến. "Việc theo dõi hoạt động của dòng tiền gây quỹ bằng công nghệ blockchain trong tương lai cũng sẽ hiển thị rất đơn giản cho người dùng theo dõi. Chỉ cần truy cập một tên miền do quỹ tạo ra chúng ta có thể giải quyết được việc minh bạch từ thiện", đại diện Binance Việt Nam nói.
Hiện tại trên thế giới, đã có nhiều tổ chức thiện nguyện, quỹ cứu trợ lớn như WFP, UNICEF, St Mungo's, Binance Charity Foundation (BCF)... đang ứng dụng blockchain trong việc phân phối và minh bạch từ thiện.
Nguồn : vnexpress