News Khi công ty chứng khoán huy động tiền như tổ chức tín dụng…

Theo các chuyên gia việc các công ty chứng khoán "lách luật" huy động tiền gửi từ các nhà đầu tư tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho bản thân các công ty chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung.​

Theo các chuyên gia việc các công ty chứng khoán "lách luật" huy động tiền gửi từ các nhà đầu tư tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho bản thân các công ty chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung.

Những ngày cuối của năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có Công văn gửi các công ty chứng khoán (CTCK) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định pháp luật chứng khoán, pháp luật về tổ chức tín dụng và pháp luật liên quan trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ; không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.

Thông thường, tiền gửi tại các CTCK sẽ gồm 2 phần chính: Một là số tiền cần để giao dịch, chờ cơ hội giải ngân khi thị trường chứng khoán (TTCK) có những tín hiệu thuận lợi. Phần tiền gửi này sẽ nhận lãi suất chỉ từ 0,1-0,3%/năm. Thứ hai, đó là sản phẩm tiền gửi huy động từ nhà đầu tư với lãi suất cao hơn nhiều, thông thường là từ 3-5%, một số có thể lên đến khá cao từ 8-9%/năm.

Khi công ty chứng khoán huy động tiền như tổ chức tín dụng… - Ảnh 1.
Ở dạng này, các CTCK sẽ không gọi là “tiền gửi”, mà là tiền “cho công ty chứng khoán vay” ISave của TCBS, hoặc các tên gọi như dịch vụ Money Market (MM) của VPS; dịch vụ S-Savings của SSI… Như vậy, có thể hiểu UBCKNN sẽ cấm biến tướng huy động vốn từ nhà đầu tư của các CTCK.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một CTCK cho biết đã ngay lập tức, dừng dịch vụ "tiền gửi" này sau thông báo của UBCKNN. Dù vậy, khảo sát cho thấy một số CTCK vẫn tiếp tục duy trì dịch vụ kể trên.

Trong bối cảnh nhiều nhà băng hiện tại liên tục giảm lãi suất tiết kiệm, việc CTCK đưa ra các gói tiền gửi với lãi suất cao hơn đã dễ dàng thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ nhà đầu tư. Thậm chí, các gói này được thiết kế đa dạng với nhiều lựa chọn như lãi suất qua đêm, lãi suất theo ngày, theo tuần, theo tháng, lãi suất cao lên đến 9%/năm (tùy vào từng giai đoạn). Tính linh hoạt cũng là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư khi họ có thẻ rút vốn 24/7, bởi số tiền gửi này vẫn được tính vào sức mua cổ phiếu, lãi suất được tính theo ngày và đôi khi còn có lãi suất thưởng nếu duy trì thỏa thuận tròn tuần hay tròn tháng…

Một đặc điểm đáng chú ý khác là tính đơn giản hóa các bước, tạo thuận tiện cho nhà đầu tư khi mua cổ phiếu. Thay vì phải thực hiện các lệnh chuyển tiền từ ngân hàng để mua cổ phiếu như trước, giờ đây nhà đầu tư có thể “tạm” gửi tiền ở các gói này, hưởng lãi theo ngày và mua cổ phiếu bất cứ khi nào họ cần một cách nhanh chóng.

Cộng hưởng các yếu tố này, không lạ khi những gói “tiền gửi” kể trên có sức hấp dẫn hơn rất nhiều so với tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng. Dù vậy, ẩn chứa sau đó là chính những rủi ro cho nhà đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam khẳng định: “Xét về góc độ nghiệp vụ Luật, các CTCK đã sai do không có chức năng huy động tiền gửi như các nhà băng. Thông báo của UBCKNN được đưa ra nhằm bảo vệ chính nhà đầu tư. Từ nguồn tiền huy động của nhà đầu tư, CTCK sẽ dùng để cho vay ký quỹ với tỷ lệ cao hơn nhiều, điều này dễ phát sinh rủi ro bởi tiêu chuẩn vay ký quỹ hiện nay thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn vay tín dụng. Chưa kể, đó còn là nguy cơ rủi ro vỡ nợ nếu các CTCK thất bại trong việc quản trị dòng tiền”.

Theo quy định hiện hành, chỉ có các ngân hàng mới được huy động tiền gửi (không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm) của cá nhân, song phải tuân thủ các quy định khắt khe như tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ dự trữ thanh khoản, phải tham gia bảo hiểm tiền gửi... và chịu sự giám sát của NHNN.

Luật Chứng khoán cũng quy định, CTCK được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau đây: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán.

Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của các CTCK cũng quy định rõ, CTCK phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. CTCK không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại. CTCK không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật...

Tuy nhiên nhiều CTCK, đặc biệt nhóm vừa và nhỏ, vẫn bất chấp huy động tiền gửi với mức lãi suất cao. Rủi ro của hoạt động này là rất lớn bởi một khi CTCK xảy ra việc mất thanh khoản, phá sản, ai sẽ có nghĩa vụ đứng ra thanh toán cho nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia việc các CTCK "lách luật" huy động tiền gửi từ các nhà đầu tư tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho bản thân các CTCK nói riêng, thị trường tài chính nói chung. Bởi vậy việc nhắc nhở, chấn chỉnh của UBCKNN là hoàn toàn cần thiết. Thậm chí theo các chuyên gia, cần có những chế tài, những biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Credit: Đức Ngọc theo Thời báo ngân hàng
 

Announcements

Today's birthdays

Forum statistics

Threads
425,398
Messages
7,156,515
Members
177,949
Latest member
shinmmo8888
Back
Top Bottom