News Nỗi tuyệt vọng của những người tin 'ngân hàng tiền số'

Một buổi tối chủ nhật tháng 6, Lucas Holcomb vội vã đánh thức người vợ đang mang thai: "Em yêu, chúng ta vừa mất 100.000 USD rồi".

Holcomb, 34 tuổi người Mỹ, gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm vào Celsius Network - nền tảng cho phép người dùng gửi tiền điện tử và lấy lãi giống ngân hàng truyền thống, nhưng mức lãi suất lên tới 18-20% mỗi năm. Celsius là tên tuổi lớn trong lĩnh vực tiền số, nên anh tin sẽ không gặp bất cứ sự cố nào quá lớn.

Nhưng Holcomb đã nhầm. Tháng trước, khi thị trường tiền số chao đảo, Celsius bất ngờ thông báo đóng băng tất cả tài khoản trên nền tảng. Người dùng, trong đó có Holcomb, không thể lấy rút hoặc làm gì với số tiền của mình. Khoản tiền tiết kiệm của anh đã bị "giam" lại.

Đến đầu tháng này, Celsius nộp đơn xin phá sản, đồng nghĩa hàng tỷ USD của những người đã đặt niềm tin vào nền tảng "không hẹn ngày về". Họ cũng nhận được bài học vốn đã phổ biến khi tham gia thị trường tài chính: lợi nhuận cao đi kèm rủi ro lớn. Đối với lĩnh vực tiền điện tử, nguy cơ còn cao hơn, thậm chí bị ví như sòng bạc vì thiếu sự giám sát theo quy định và pháp lý.

Trước khi gặp sự cố, Celsius là một trong những công ty vay và cho vay tiền số lớn và có ảnh hưởng bậc nhất thế giới. Giống như các ngân hàng, các nền tảng mới nổi này nhận tiền gửi và cho khách hàng lấy lãi hàng tháng, chủ yếu là các loại tiền số ổn định giá (stablecoin) như USDT hay USDC. Chẳng hạn, Celsius hỗ trợ người dùng gửi USDC với lãi suất 7% và có thể rút bất cứ lúc nào để chuyển thành đồng USD.

Trong đơn phá sản, Alex Mashinsky, người sáng lập Celsius, cho biết công ty đang nợ người dùng tổng cộng 4,7 tỷ USD. Ông thừa nhận không có khả năng chi trả lại số tiền cho những người đã tin tưởng nền tảng.

Holcomb dự tính kiếm được 7.000 USD mỗi năm từ khoản stablecoin trị giá 100.000 USD gửi ở Celsius. Nhưng khi anh nói về việc tài khoản bị đóng băng, người vợ thảng thốt: "Anh đang nói đùa à?".

Holcomb thức trắng cả đêm, nỗ lực rút tiền khỏi Celsius nhưng vô vọng. Hôm sau, người đàn ông 34 tuổi này chuyển sang cầu nguyện. Rồi anh đành chấp nhận mất tiền. "Gia đình tôi không chết đói, nhưng sao mà vui nổi khi mất tới 100.000 USD", anh ngậm ngùi.


square-jpeg-9913-1658633571[1].jpg

Jack Wang. Ảnh: WSJ

Jack Wang, 32 tuổi, cũng mất hơn một nửa số tiền tiết kiệm, nhưng không tiết lộ con số cụ thể, khi tham gia thị trường tiền số năm 2018. Khi đó, anh thề không bao giờ chạm tay vào loại tiền bất ổn này nữa.

Nhưng rồi đại dịch ập đến khiến Wang không thể ra khỏi nhà. Anh bị công ty sa thải, còn cha và anh trai lần lượt qua đời. Cuối năm 2020, khi giá tiền điện tử tăng vọt, Wang quyết định nhảy vào thị trường một lần nữa, nhưng chỉ đầu tư stablecoin. Stablecoin là loại tiền số được phát triển trên blockchain và có giá trị ổn định do "bắt chước" giá trị của các loại tiền pháp định như đồng USD hoặc Euro.

Wang chuyển 250.000 USD và đổi sang TerraUSD (UST) do Terraform Labs đứng sau, sau đó gửi vào nền tảng Anchor Protocol để nhận lãi tới 20%. Anh cũng đầu tư vào một quỹ bảo hiểm liên quan đến token này.

Đầu tháng 5, khi UST bị mất bị de-peg, tức trượt khỏi mốc neo với đồng USD và sau đó mất gần hết giá trị, số tiền Wang bỏ ra cũng bốc hơi. Khi đó, toàn bộ tài sản 500.000 USD của anh chỉ còn vài USD.

Dù khá sốc, Wang cố trấn an mình. Anh lên Reddit chia sẻ câu chuyện với các nhà đầu tư khác - những người thậm chí có ý định tự tử vì mất hết tài sản. Đầu tháng 7, anh đặt vé máy bay đến Carolina để nghỉ ngơi và quên đi biến cố vừa xảy ra.

Dave Jachelski, 33 tuổi, cũng là nạn nhân của "ngân hàng tiền số". Được một người bạn giới thiệu đến công ty môi giới và cho vay Voyager Digital, anh cũng chi 6.600 USD vào đó để nhận lãi 10%. Không chỉ vậy, anh còn kêu gọi hàng nghìn người tham dự. Với mỗi lượt giới thiệu, anh nhận về ít nhất 25 USD.

Voyager Digital là công ty có liên kết chặt chẽ với Celsius. Do đó, khi Celsius đóng băng rút tiền, Voyager Digital cũng nhanh chóng bị ảnh hưởng. Nhưng CEO Stephen Ehrlich khi đó cố trấn an bằng cách nhấn mạnh "chúng tôi an toàn như ngân hàng". Ngày 1/7, Voyager chặn việc rút tiền, sau đó nộp đơn xin phá sản.

Đến nay, Voyager vẫn chưa hoàn trả tiền cho khách hàng, nhưng hứa rằng người dùng sẽ nhận lại khoản đầu tư khi "hoàn tất quá trình điều chỉnh và ngăn chặn gian lận". Trong khi đó, Jachelski hy vọng lấy lại được số tiền đã bỏ ra, hiện chỉ còn giá trị khoảng 4.000 USD.

"Tôi chưa bao giờ nhận được thông báo nào từ ngân hàng truyền thống kiểu như 'Xin lỗi, chúng tôi không cho phép bạn rút tiền'. Nhưng giờ tôi trải nghiệm cảm giác đó với cái gọi là 'ngân hàng tiền số'. Đôi khi, mọi thứ đến theo cách khó lường", Jachelski nói.

Theo Brett Harrison, Chủ tịch sàn giao dịch tiền điện tử FTX, khủng hoảng sẽ tiếp tục lây lan thời gian tới do làn sóng sợ hãi từ các nhà đầu tư vì "không ai muốn trở thành nạn nhân cuối cùng".

"Nhìn chung, thị trường tiền số bắt đầu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tín dụng quy mô lớn", Lucas Outumuro, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Into The Block, nói với Fortune. "Các công ty đã phát triển mạnh khi thị trường tăng giá, nhưng phơi bày nhược điểm lập tức và bị hạ gục khi khó khăn xảy ra. Đó là bài học nên có, và thực ra nó cũng từng xảy ra với tài chính truyền thống".

Theo vnexpress​
 

Announcements

Today's birthdays

Forum statistics

Threads
425,415
Messages
7,156,683
Members
177,951
Latest member
kaiaviet
Back
Top Bottom