Tham vọng dẫn đầu thế giới về tiền điện tử của Trung Quốc


6.jpg

Một quầy giao dịch chấp nhận đồng nhân dân tệ điện tử ở Trung Quốc. Ảnh: AP.

Trung Quốc đang hướng đến tương lai người dân có thể chạm điện thoại với nhau để chuyển nhân dân tệ điện tử mà không cần Internet.

Khi hầu hết chính phủ trên thế giới vẫn đang tập trung vào chống dịch, các ngân hàng trung ương còn có một việc khác để lo. Họ đang chuẩn bị để giải quyết một trong những thách thức tài chính lớn nhất của thập kỷ tới: tiền điện tử.

Trong đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu nghiên cứu về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014 và đang dẫn đầu lĩnh vực này. Bahamas là nước đầu tiên tung ra tiền điện tử Sand Dollar vào tháng 10, nhưng Trung Quốc có khả năng sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên giới thiệu một loại tiền điện tử có chủ quyền.

Đến nay, PBOC đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hệ thống thanh toán tiền điện tử online (DCEP) và đang thử nghiệm cục bộ ở các thành phố, bao gồm Thâm Quyến và Tô Châu.

Dự thảo sửa đổi Luật Ngân hàng Trung ương cũng đã được công bố ngày 23/10, bao gồm các điều khoản cung cấp khuôn khổ pháp lý cho DCEP, giúp đồng nhân dân tệ điện tử có cơ sở pháp lý giống như đồng nhân dân tệ vật lý.

Cùng với đó, Kế hoạch kinh tế đến năm 2035, được công bố sau "Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản" diễn ra vào cuối tháng 10, đã đề cập đến "từng bước cải tiến hoạt động nghiên cứu và phát triển tiền điện tử".

Khi chuẩn bị cho sự ra mắt trong nước của DCEP, Trung Quốc cũng muốn đảm bảo nước này có một vị trí trong hệ thống tiền điện tử toàn cầu. Trong vài tháng qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng các quy tắc toàn cầu để xử lý rủi ro, nhằm đảm bảo Trung Quốc duy trì khả năng cạnh tranh của mình.

"Chúng ta nên tích cực tham gia xây dựng các quy tắc quốc tế về tiền kỹ thuật số và thuế kỹ thuật số để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới", ông Tập viết trong một bài đăng vào tháng 10 trên Qiushi, tạp chí lý luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Và trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 hôm 21/1, ông kêu gọi tổ chức "thảo luận về việc phát triển các tiêu chuẩn và nguyên tắc cho tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) với một thái độ cởi mở và thích ứng, và xử lý tất cả các loại rủi ro và thách thức, đồng thời thúc đẩy chung cho sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế".

Với sự nhanh nhạy của mình, Trung Quốc đã khiến phần còn lại của thế giới phải tụt lại phía sau khi nói đến tiền điện tử. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên với cách mà chính phủ và các công ty nước này như Alibaba đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số để biến kiến trúc ngân hàng và tài chính lạc hậu thành một hệ thống tiên tiến, tập trung vào trực tuyến và thân thiện với người dùng trong kỷ nguyên Internet.

Một cuộc khảo sát đối với 66 ngân hàng trung ương lớn do Bank for International Settlements thực hiện vào cuối năm 2019, cho thấy 80% đã tham gia vào một số hình thức công việc phát triển tiền kỹ thuật số, tăng từ 70% trong cuộc khảo sát trước đó vào năm 2018.

Trong số 80%, chỉ 10% đã tiến xa khi đang phát triển các dự án thử nghiệm và tất cả đều ở các nền kinh tế mới nổi. Khoảng 40% những đơn vị triển khai tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cho biết đã có tiến bộ từ nghiên cứu khái niệm đến thử nghiệm hoặc chứng minh khái niệm, nơi họ đã thực hiện các thử nghiệm khả thi để xác minh xem đồng tiền điện tử có tiềm năng thực tế hay không.

Sự thay đổi đó một phần được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các loại tiền điện tử như Bitcoin và thông báo của Facebook vào tháng 6/2019 về dự án tiền kỹ thuật số dựa trên blockchain có tên Libra. Dự án đến nay không có động thái gì mới nhưng nó đã khiến các quan chức ở cấp quốc gia và quốc tế phải lưu tâm về tương lai của tiền, với cách thức mà nó được chi tiêu và truyền đi, cũng như các quy định và cách kiểm soát rủi ro bắt nguồn từ tiền điện tử.

Nghiên cứu về tiền điện tử còn được tiếp thêm động lực sau Covid-19 dẫn đến việc tăng tốc sử dụng thanh toán kỹ thuật số, làm dấy lên lo ngại rằng hàng trăm triệu người tiêu dùng, đặc biệt là người già và những người không có tài khoản ngân hàng sẽ bị loại khỏi hệ thống tài chính. Tỷ lệ thanh toán không tiếp xúc trong các giao dịch thẻ toàn cầu đã tăng lên hơn 33% vào tháng 3 khi đại dịch hoành hành trên khắp thế giới, tăng từ khoảng 27% trong sáu tháng trước đó, theo BIS.

Tham vọng dẫn đầu thế giới về tiền điện tử của Trung Quốc - 2

Năm 2020 "là một thời điểm quan trọng trong thái độ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đối với tiền kỹ thuật số", Benoit Coeure, thành viên Ủy ban điều hành BIS, đánh giá. Trong khi dự án Libra đã tạo động lực đẩy nhanh tiến độ của các ngân hàng trung ương, thì chính sự đổi mới công nghệ về cơ bản đang thúc đẩy sự thay đổi, ông cho biết.

Trong một bài viết đăng tải vào tháng 10/2020 có tên "Phương pháp tiếp cận tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản", tổ chức này cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm các chức năng cơ bản của CBDC vào năm 2021. Cùng tháng, Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố báo cáo về khả năng phát hành đồng euro điện tử và nói rằng họ sẽ quyết định có khởi động dự án đồng euro điện tử vào khoảng giữa năm tới hay không.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn. Khi BIS tiếp cận các ngân hàng trung ương về việc thành lập một nhóm nghiên cứu tiền điện tử, Fed ban đầu từ chối tham gia. Nhưng sau khi nhóm chính thức ra mắt vào tháng 1/2020, Fed đã thay đổi quyết định và tham gia cùng sáu ngân hàng trung ương khác, bao gồm Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Tên của Fed đã xuất hiện trên báo cáo đầu tiên do nhóm này phát hành vào tháng 10, thảo luận về các nguyên tắc chung và các đặc điểm chính mà một CBDC và cơ sở hạ tầng hỗ trợ của nó cần phải có. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết điều quan trọng hơn đối với Mỹ là "làm đúng hơn là trở thành người đầu tiên".

Trong năm qua, giới chức ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cố gắng làm sáng tỏ sự nhầm lẫn về DCEP, cách nó phù hợp với chính sách và hệ thống tiền tệ của đất nước, cách nó thay đổi vai trò của hệ thống trung gian thanh toán đang bị chi phối bởi Alipay và WeChat Pay, cũng như các tiếp cận của Trung Quốc về tiền điện tử sẽ khác các nước khác ra sao.

Những nỗ lực đó diễn ra đồng thời với việc triển khai thử nghiệm đồng tiền này trong các cơ sở bán lẻ ở ba thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và một phần của Tây An.

Mu Changchun, người đứng đầu Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của PBOC và Fan Yifei, Phó thống đốc ngân hàng trung ương, đã dẫn đầu những nỗ lực đó, đưa ra các bài phát biểu và viết bình luận để giải thích cơ sở lý luận đằng sau DCEP.

Thông điệp của họ là việc phát hành một loại tiền điện tử có chủ quyền sẽ duy trì sự kiểm soát của PBOC đối với lĩnh vực tài chính và hệ thống tiền tệ; tránh mối đe dọa của Libra và các loại tiền điện tử khác; cung cấp nền tảng cho cơ sở hạ tầng thanh toán di động hiện có, vốn đã trở nên quan trọng về mặt hệ thống; thúc đẩy tài chính bằng cách làm cho thanh toán điện tử dễ tiếp cận hơn với những người không có tài khoản ngân hàng; và chống rửa tiền, gian lận tài chính và tài trợ khủng bố.

Ông Mu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng DCEP là một giải pháp thay thế tiền mặt và sẽ được kiểm soát tập trung bởi PBOC. Công nghệ đằng sau nó sẽ cho phép mọi người gửi và nhận tiền bằng cách chạm vào điện thoại của nhau bất kể có kết nối với Internet hay không, một tính năng mà theo ông là một lợi thế rõ ràng so với Alipay và WeChat Pay.

Trung Quốc tập trung phát triển DCEP cho người tiêu dùng trong nước sử dụng để thanh toán bán lẻ, thay vì sử dụng "bán buôn" liên quan đến việc giải quyết và thanh toán giữa các tổ chức trên thị trường tài chính hoặc cho các khoản thanh toán xuyên biên giới. Nguyên nhân là do nước này có một nền kinh tế phi chính thức khổng lồ, được thúc đẩy bởi thanh toán bằng tiền mặt. Việc điện tử hóa nó sẽ giúp chính phủ kiểm soát tham nhũng, dòng tiền bất hợp pháp và tránh thuế, cùng những thứ khác.

Nhưng về lâu dài, khi hệ thống tài chính của Trung Quốc trở nên phát triển hơn, DCEP sẽ có lợi cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, ông Mu cho biết trong một bài phát biểu năm ngoái.

Đó là một lý do chính tại sao Trung Quốc đang thúc đẩy các tiêu chuẩn chung toàn cầu cho tiền tệ điện tử và tăng cường phối hợp với các cơ quan tài chính quốc tế để điều chỉnh chúng. PBOC đã và đang đóng góp vào việc xây dựng các tiêu chuẩn.

Một bài báo được xuất bản bởi Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của PBOC năm 2019 lưu ý rằng Trung Quốc là nước đầu tiên thêm nội dung liên quan đến tiền điện tử vào kho lưu trữ cho ISO 20022, một tiêu chuẩn toàn cầu mới bao gồm thông tin tài chính được chuyển giữa các tổ chức tài chính bao gồm giao dịch thanh toán, thông tin giao dịch chứng khoán cũng như thông tin thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Các tác giả của bài báo cho biết nỗ lực lấp đầy khoảng trống của Trung Quốc không chỉ mở rộng phạm vi áp dụng tiêu chuẩn mới của ISO 20022 mà còn giúp thúc đẩy quốc tế hóa các tiêu chuẩn tiền điện tử của Trung Quốc và cải thiện ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Một nguồn tin thân cận với BIS nói với Caixin rằng sự phối hợp rộng rãi hơn giữa các ngân hàng trung ương trong lĩnh vực này là rất quan trọng, để trong tương lai, các loại tiền điện tử của các ngân hàng trung ương khác nhau có thể được chuyển qua biên giới.

"Nó giống như việc thiết lập một tiêu chuẩn công nghệ truyền thông thống nhất, không quan trọng nếu bạn đang sử dụng điện thoại di động Samsung, Huawei hay Apple, bạn vẫn có thể nói chuyện với nhau", nguồn tin này giải thích.

Theo Vnexpress
 

Announcements

Today's birthdays

Forum statistics

Threads
425,407
Messages
7,156,626
Members
177,951
Latest member
kaiaviet
Back
Top Bottom