Tim Cook vào vị trí CEO Apple năm 2011 với nhiều nghi ngờ nhưng ông đã khẳng định khả năng của mình bằng con số 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa.
Khi Tim Cook tiếp quản vị trí CEO Apple vào tháng 8/2011, khi Steve Jobs qua đời, không ít người đã hoài nghi về hướng đổi mới và sáng tạo của Apple khi không có Jobs. Trong cuốn tiểu sử Steve Jobs do Walter Isaacson biên soạn, cố CEO Apple cũng từng nhận xét Tim Cook "không phải là người của sản phẩm".
Năm 2020, những lo ngại trên trở nên dư thừa. Khi Steve Jobs qua đời, Apple có giá trị vốn hóa 350 tỷ USD. Nhưng 9 năm sau, công ty trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Mỹ và thứ hai trên toàn thế giới
đạt giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD, sau Saudi Aramco của Arab Saudi.
"Cột mốc 2.000 tỷ USD chỉ là một trong những dấu hiệu cho thấy đánh giá ban đầu về Tim Cook là sai lầm", cây bút Lisa Eadicicco của
Business Insider, nhận xét. "Apple có thể sẽ không phát minh ra một sản phẩm mang tính cách mạng như iPhone nữa, nhưng Tim Cook có một hành trình thách thức hơn -
bước ra khỏi cái bóng của Jobs".
Dưới "triều đại" của Tim Cook, Apple đã phát triển mạnh mẽ mà không cần gắn với những cụm từ như "công ty iPhone" hay "công ty iPad". Hãng xâm nhập vào thị trường sức khỏe kỹ thuật số, thống trị ngành thiết bị đeo với Apple Watch. Công ty cũng tạo ra một số sản phẩm dù không mới nhất, nhưng lại có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trên thị trường, như AirPods. Bên cạnh đó, Apple cũng tăng cường tính riêng tư trên từng sản phẩm cũng như tính bền vững cho ngành công nghiệp điện tử.
Một số chuyên gia nhận định, Cook đã thành công trong việc biến một Apple vốn chỉ có hình ảnh Steve Jobs thành một công ty có dấu ấn của ông. Trong đó, khả năng nhanh nhạy trong kinh doanh của Cook khi ngành công nghiệp di động thay đổi được đánh giá cao hơn cả.
Thị trường smartphone đã chuyển biến rất lớn khi Tim Cook lên làm CEO Apple. Khi đó, việc sáng tạo của công ty dường như chậm lại, các thiết bị không có sự khác biệt quá lớn cả về thiết kế lẫn tính năng. Tim Cook đã chèo lái con thuyền Apple một cách khéo léo. Năm 2014, ông ra mắt Apple Watch, sản phẩm mới đầu tiên của ông với tư cách CEO. Không giống iPhone hay iPad, smartwatch này không thành công ngay lập tức. Nhưng hiện nay, nó là thiết bị đeo không thể thiếu của nhiều người. Theo báo cáo từ IDC, Apple là công ty xuất xưởng nhiều thiết bị đeo nhất thế giới trong năm 2020, vượt xa các đối thủ khác như Samsung, Huawei và Fitbit.
Mảng dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ dưới thời Cook và là danh mục mang lại doanh thu thứ hai sau iPhone. Năm 2017, ông đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng: Đến hết năm 2020, Apple sẽ tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ so với 2016. Công ty đã hoàn thành kế hoạch trước 6 tháng. Tính đến quý tài chính thứ ba (kết thúc tháng 6/2020) mảng dịch vụ đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 22% tổng doanh thu của công ty.
"Trong bốn tháng qua, Apple như một công ty phần mềm thực thụ. Mảng dịch vụ đã mang lại nguồn thu lớn, cho thấy sự đúng đắn của Tim Cook", Logan Purk, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Edward James, nói với
CNBC. "Giờ đây, Apple bắt đầu bị so sánh với các công ty phần mềm có thâm niên".
Nhà phân tích Tom Forte của hãng nghiên cứu DA Davidson cho rằng thành tựu của Tim Cook thể hiện những điểm mạnh độc đáo của ông so với Steve Jobs. "Jobs nổi tiếng là người chỉ muốn tập trung vào một mục tiêu và hoàn thành nó tốt nhất có thể. Nhưng Cook thì khác. Nếu thấy cái nào thích hợp với Apple, ông ấy sẽ làm", Forte nhận xét. "Tôi nghĩ rằng, mảng dịch vụ là ví dụ điển hình nhất cho thấy Apple không còn là một công ty phần cứng".
Thành công trong cả mảng thiết bị đeo và dịch vụ đã giúp bù đắp doanh số iPhone ngày một đi xuống. Đây cũng là yếu tố giúp phố Wall có thêm niềm tin vào công ty khi mảng thiết bị bớt hấp dẫn.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ dưới thời Tim Cook đều được đón nhận tích cực. Công ty cùng những "gã khổng lồ công nghệ" khác như Google, Facebook và Amazon phải điều trần vì hành vi độc quyền, cản trở sự phát triển và cạnh tranh của ngành. Mới đây, chính sách thu phí 30% doanh thu của nhà phát triển trên App Store cũng đã nhận nhiều phản ứng. Epic Games, Spotify và nhiều nhà phát triển khác đã tố Apple "ăn dày", ra chính sách "bất công", thậm chí
khởi kiện để đòi sự công bằng.
Dưới "triều đại" Tim Cook, Apple cũng mâu thuẫn với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khi từ chối tạo cửa hậu vào iPhone để hỗ trợ điều tra, do lo ngại vấn đề bảo mật. Ngoài ra, không phải sản phẩm nào Tim Cook ra mắt cũng thành công. Loa thông minh HomePod nằm trong số đó.
Tuy vậy, không thể phủ nhận công lao rất lớn của ông với Apple. Từ một công ty chỉ được biết đến với sản phẩm chủ đạo là iPhone, giờ đây Apple đã tạo ra nhiều nguồn doanh thu khác nhau, từ phần cứng đến dịch vụ và không phụ thuộc vào bất kỳ sản phẩm nào.
"Vẫn còn một số người nghi ngờ khả năng của Tim Cook, nhưng mức vốn hóa 2.000 tỷ USD đang cho thấy chiến lược mà ông vạch ra là đúng đắn, ít nhất cho đến lúc này", Eadicicco nhận xét.