Tư duy mơ hồ
Giữa thập niên 1960, Giám đốc FBI, J. Edgar Hoover, đọc lại bản đánh máy lá thư mà ông vừa đọc cho thư ký. Ông không thích cách định dạng cho bức thư nên viết vào phía cuối trang dòng chữ: Chú ý các đường biên và yêu cầu thư ký đánh máy lại. Nữ thư ký làm theo yêu cầu và gửi bức thư tới tất cả các đặc vụ cao cấp. Hai tuần sau, các đặc vụ FBI được đặt trong tình trạng báo động đặc biệt dọc theo biên giới với Canada và Mexico.
Câu chuyện này giải thích hai lý do tại sao chúng ta không thích các tình huống mơ hồ: thứ nhất, chúng rất khó hiểu và thứ hai, chúng gây ra các vấn đề trong giao tiếp. Do đó, chúng ta phải học cách để tránh sự mơ hồ. Đây là luật lệ đúng đắn cần tuân theo trong hầu hết các trường hợp thực tế như chỉ đường, thiết kế chương trình hoặc thảo hợp đồng. Với những tình huống này, sự rõ ràng, chính xác và cụ thể rất quan trọng để thông điệp của chúng ta được trình bày khúc chiết.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, sự mơ hồ có thể trở thành chất kích thích mạnh mẽ cho trí tưởng tượng. Khi ở pha tưởng tượng của quá trình sáng tạo, một chút mơ hồ có thể đánh thức chúng ta, khiến chúng ta đặt ra những câu hỏi như:
-Điều gì đang diễn ra ở đây?
-Điều này có ý nghĩa gì?
-Nó có thể được diễn giải theo cách nào khác?
Đây là những câu hỏi đặc biệt, được sử dụng khi chúng ta tìm kiếm những ý tưởng mới. Do đó, để nghĩ ra một điều gì đó khác biệt, hãy nhìn nhận mơ hồ các sự việc. Ví dụ: một nửa của số 8 là gì? Bạn có thể trả lời là 4. Nhưng nếu nhận định câu hỏi mơ hồ, bạn sẽ có được những câu trả lời khác như 0,3. Tât cả tùy thuộc vào cách bạn định nghĩa một nửa.
Để trở nên sáng tạo hơn, hãy tìm kiếm sự mơ hồ trong thế giới. Việc những học sinh mẫu giáo coi dấu chấm bằng phấn trên bảng là một con mắt của chim cú, một đầu mẩu thuốc lá, một con bọ bị đập bẹp có thể giúp tìm ra những điều mơ hồ trong thế giới. Điều này cũng đúng khi Picasso coi ghi-đông xe đạp là cặp sừng của con bò, hay Grace Hopper coi đoạn dây dài 30 cm là một nano giây và khi bạn dùng một viên gạch để chặn cửa, tạo hòa âm bằng thìa và dĩa, dùng lá cây làm giấy vệ sinh hoặc cây bút bi làm cái đục lỗ. Khả năng tìm ra sự mơ hồ là một phần quan trọng của nghĩ ra điều gì đó khác biệt.
Tướng Mỹ George S.Patton đã có những ý tưởng tương tự về cách kích thích sự sáng tạo của con người. Ông nói: Nếu nói cho người ta biết điểm đến mà không chỉ ra cách đi, bạn sẽ ngạc nhiên trước những kết quả. Ông cho rằng đặt vấn đề theo lối mơ hồ có thể khiến trí tưởng tượng của những người đang xử lý vấn đề được tự do bay bổng.
Một số nền tảng cơ bản để tạo ra sự mơ hồ
1. Các nghịch lý
Nhà tâm lý học Carl Jung đã cho rằng Chỉ có nghịch lý mới giúp bạn lĩnh hội cuộc sống đầy đủ.
Chương này đề cập đến những nghịch lý. Sự mơ hồ thường gây ra các vấn đề trong giao tiếp nhưng cũng tạo ra các ý tưởng mới. Vậy đâu là mẫu số chung cho cả hai vấn đề này?
Nghịch lý kích thích trí tuệ giống như nước lạnh làm thức tỉnh những ai đang mơ màng. Vậy nghịch lý là gì? Trên thực tế, chúng là một công cụ sáng tạo tuyệt vời. Nhà vật lý học vĩ đại người Đan Mạch, Niels Bohr, đã nói: Thật tuyệt với khi bắt gặp một nghịch lý. Khi đó, chúng ta có thể tạo ra những tiến triển. Bohr biết rằng nghịch lý là điều tối cần thiết cho quá trình sáng tạo. Vì nghịch lý giúp chúng ta thoát khỏi lối mòn tư duy hạn hẹp và xem xét những nhận định của mình.
Quả thật, việc nhận ra nghịch lý chính là điểm then chốt của tư duy sáng tạo- khả năng tán thành hai quan điểm khác biệt cùng một lúc.
Dưới đây là một số nghịch lý rất thú vị. Một số kỳ cục và một số rất sâu sắc. Tuy nhiên, tất cả đều khiến chúng ta phải suy nghĩ- chúng mang lại một cú đánh sáng tạo tuyệt với. Khi đọc chúng, bạn có thể sẽ tự hỏi: Cuộc sống hay công việc của mình có gì nghịch lý? Có lý do nào giải thích sự mâu thuẫn đó không?
Pablo Picasso: Nghệ thuật là sự dối trá giúp chúng ta nhận ra sự thật.
Montaigne: Người sợ sự đau đớn đã phải chịu đớn đau từ những điều anh ta sợ.
Confucius: Tri thức đích thực là biết được phạm vi của sự ngu dốt.
Lão Tử: Thất bại là nền tảng của thành công, và thành công là nơi che giấu thất bại.
Heraclitus: Sự vật nghỉ ngơi bằng cách thay đổi.
Trang Tử: Hạnh phúc là không phải phấn đấu cho hạnh phúc.
Andrew Mercer: Hãy tiêu tiền của mình để cảm thấy giàu có.
J.S Mill: Tự hỏi liệu mình có hạnh phúc và bạn sẽ không còn hạnh phúc.
Degas: Vẽ thật dễ dàng khi bạn không biết làm thế nào, nhưng rất khó khăn khi bạn đã biết.
Triết gia Soren Kierkegaard nói: Nghịch lý là ngọn nguồn đam mê của những người tư duy và người tư duy mà không có nghịch lý giống những người đang yêu mà không có cảm xúc.
2. Hỏi ý kiến các nhà tiên tri
Rất nhiều nền văn hóa đã phát triển các công cụ để tận dụng khả năng tìm ra ý nghĩa các tình huống mơ hồ của con người. Những công cụ này được gọi là các nhà tiên tri. Điển hình là: Kinh Dịch của người Trung Quốc cổ đại, bộ bài Tarot của người Ai Cập, cổ ngữ Rune của người Bắc Âu, Vòng tròn yêu thuật của người bản địa châu Mỹ và bộ bài Cú đánh sáng tạo. Theo truyền thống, những lời tiên tri này không phải để dự đoán tương lai mà để nghiên cứu sâu trực giác của người sử dụng khi đối mặt với một vấn đề.
Bạn cũng có thể tạo ra những lời tiên tri cho chính mình. Điều này rất đơn giản. Dưới đây là một câu chuyện thú vị về việc tạo ra lời tiên tri cho chính mình.
Một thầy mo Ấn Độ được giao trách nhiệm lập bản đồ đi săn cho bộ lạc. Trong cuộc đi săn, bất cứ khi nào bộ lạc thu được chiến lợi phẩm, ông lại trải một tấm da tươi phơi nắng khô, sau đó gấp lại, xoắn trong tay và nói một vài lời cầu khấn rồi vuôt phẳng nó.
Khi mảnh da sống chằng chịt những nếp nhăn, nếp gấp, thầy mo chỉ ra một số điểm chuẩn cơ bản trên mảnh da và đó chính là bản đồ đi săn mới của bộ lạc. Những nếp nhăn thể hiện các đường mòn mà thợ săn nên đi. Khi đi theo các đường mòn đó, thợ săn luôn thu được rất nhiều chiến lợi phẩm.
Bài học: Bằng cách tạo ra các nếp gấp ngẫu nhiên trên các mảnh da tươi để thể hiện đường mòn đi săn, thầy mo đã chỉ cho thợ săn biết những nơi trước đó họ đã không nhìn thấy.
Chúng ta có thể tạo ra một lời tiên tri theo cách tương tự với cách thầy mo đã làm. Ba điều cần có là:
Một: Chúng ta nên đặt câu hỏi cho lời tiên tri (Thầy mo đã đặt câu hỏi: Nơi nào có thể tìm thấy nhiều thú rừng hơn?) Câu hỏi này giúp chúng ta tập trung suy nghĩ.
Hai: Cách tạo ra thông tin ngẫu nhiên. (Thầy mo đã xoắn và gấp một mảnh da.) Sự lựa chọn ngẫu nhiên rất quan trọng. Vì con người có xu hướng sử dụng lặp lại những phương pháp giải quyết vấn đề giống nhau nên thường đưa ra những câu trả lời tương tự. Chúng ta không thể dự đoán một thông tin ngẫu nhiên, do đó, chúng ta buộc phải nhìn vấn đề theo một cách mới.
Ba: Một thái độ diễn giải thông tin ngẫu nhiên trở thành câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta. (Thầy mo diễn giải những nếp nhăn là thể hiện cho các lối đi săn mới.).
3. Hãy lắng nghe những giấc mơ
Xét về bề ngoài, những giấc mơ kỳ lạ và vô nghĩa. Nhưng nếu sử dụng chúng làm chất kích thích trí tưởng tượng và diễn giải chúng theo nhiều cách thức khác nhau, bạn có thể tạo ra một cách thức tư duy mới cho bản thân. Những giấc mơ đã từng giúp mang lại những tiến bộ hết sức ý nghĩa trong khoa học kỹ thuật. Ví dụ nhà hóa học August Kekule mơ thấy sáu con rắn nối đuôi nhau tạo thành vòng tròn và hình ảnh này gợi lên trong ông khái niệm về vòng benzene sáu nguyên tử carbon. Giấc mơ bị những ngọn giáo có lỗ thủng trên đầu nhọn tấn công của Elias Howe đã khiến ông chuyển vị trí của lỗ kim máy khâu từ cuối lên đầu kim. Và bảng tuần hoàn hóa học của nhà hóa học người Nga, Dmitri Mendeleyev cũng được hình thành dựa trên ý tưởng trong giấc mơ.
Bạn có thể sử dụng các thủ thuật sau để điều khiển giấc mơ của mình:
Trước khi đi ngủ, bạn hãy cố gắng hình dung ra vấn đề mà mình đang xử lý. Bạn không cần cố gắng giải quyết nó mà chỉ tạo hình ảnh rõ ràng nhất của nó trong tâm trí Điều này giống như việc gieo hạt giống trong tâm trí. Các giấc mơ thường xuất hiện vào lúc gần sáng khi chúng ta ở trạng thái không thật sự ngủ nhưng cũng không hoàn toàn tỉnh táo. Đây là lúc các ý tưởng được nới lỏng và tự do phát triển, và tạo ra các sự kết hợp hình ảnh khác nhau.
Mời bạn thử tài với bài tập sau. Như thường lệ, 10$ sẽ thuộc về những đáp án bất ngờ và thuyết phục nhất.
Bài tập: Trong dòng ký tự sau đây, hãy gạch bớt sáu chữ cái để những chữ còn lại (không thay đổi vị trí) sẽ tạo ra một từ tiếng Anh có nghĩa:
B S A I N X L E A T N T E A R S